Đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân
Để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và giảm áp lực cho cơ quan hành chính Nhà nước, Trung tâm Hành chính công tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải đang đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) do ngành GTVT cấp. Đây là 1 trong 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 được cả nước quan tâm thực hiện.
Cán bộ Trung tâm hướng dẫn công dân bấm số thứ tự giải quyết thủ tục hành chính
Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, khi công dân đến đổi GPLX trực tiếp, cán bộ Trung tâm sẽ tư vấn, hỗ trợ công dân hoàn thiện hồ sơ trước khi vào giải quyết thủ tục hành chính; tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện đổi GPLX trực tuyến. Bưu điện tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn đổi GPLX đến người dân tại 11 điểm nộp hồ sơ trực tiếp bao gồm: quầy bưu điện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bưu điện các huyện (Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Yên Phong, KCN Quế Võ và thị xã Thuận Thành), các điểm bưu điện văn hoá xã Vạn Ninh, Bình Dương, An Thịnh, Nguyệt Đức; chuyển phát kết quả đổi GPLX đến tận nhà nếu người dân có nhu cầu. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện khám và cấp giấy khám sức khỏe điện tử; cung cấp cho người dân giấy khám sức khỏe có mã số để tra cứu; bảo đảm các trường hợp khám sức khỏe có kết luận “Đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng...” đều được cập nhật, liên thông ngay sau khi khám để thuận lợi cho người dân khai thác và tra cứu dữ liệu.
Tháng 10/2023, Sở Giao thông vận tải đã tiếp nhận 2.490 hồ sơ xin cấp, đổi GPLX. Trong đó, 1.115 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, chiếm tỷ lệ 44,78%.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại: Số TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ ít; một số TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều nhưng số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến so với số lượng hồ sơ phát sinh mới chỉ đạt khoảng hơn 40% như TTHC cấp, đổi GPLX do ngành GTVT cấp…
Nguyên nhân là do hệ thống phần mềm còn bị lỗi; các đơn vị triển khai khám sức khỏe điện tử ít, toàn tỉnh chỉ có 7 đơn vị y tế thực hiện; giấy khám sức khỏe lái xe điện tử vẫn chưa được đồng bộ ngay sau khi khám nên không thể tra cứu được số Giấy khám sức khoẻ lái xe; hệ thống thanh toán phí còn chậm; trình độ sử dụng máy tính và mạng internet của người dân còn thấp, nhất là người cao tuổi và người lao động; một số TTHC đổi GPLX cho người nước ngoài, cấp lại GPLX do mất GPLX, thi lại GPLX do GPLX quá hạn… chưa thực hiện được dịch vụ công trực tuyến; việc đăng ký tài khoản để được duyệt làm TTHC còn phải được tài khoản của Bộ GTVT duyệt thì công dân mới nộp được TTHC, gây mất thời gian cho công dân…
Với mục tiêu đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong thời gian tới, Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 01/6/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch.